CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU VINASHIP

Tin tức

Tin tức

Hợp tác kinh tế VN-USA: Cần nhìn toàn diện cho phát triển

Hơn hai mươi năm kể từ ngày Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 20 lần lên 45 tỷ USD vào năm 2015. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Hơn hai mươi năm kể từ ngày Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 20 lần lên 45 tỷ USD vào năm 2015. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Con số trên phản ánh nét nổi bật nhất trong quan hệ thương mại giữa hai nước cả về quy mô và tốc độ phát triển. Theo Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM, việc bình thường hóa quan hệ, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại động lực phát triển cho quan hệ hai nước hiện nay và trong thời gian tới.

Bước tiến đến thành công

Hợp tác kinh tế thương mại song phương, theo đánh giá của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ tại TP.HCM, đã có những bước tiến mạnh mẽ từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tiếp đó là ký kết BTA. Khi đó, thương mại hai chiều mới khởi sắc và còn ở mức thấp. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi thực hiện BTA, Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Với những dự án hợp tác phát triển “nở rộ” thời gian gần đây, triển vọng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước trong tương lai hết sức khả quan, phản ánh sống động sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cho cả hai nước.


Hợp tác trong TPP sẽ trở thành cơ sở và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và phát triển quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ nói riêng. Dự báo năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều có thể tăng lên 72 tỷ USD, thậm chí cao hơn khi Hiệp định TPP được thực thi. Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất ASEAN cho thị trường Hoa Kỳ, trên cả Malaysia và Thái Lan. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang quốc gia này và có thể tăng tới 30% vào năm 2020. Ngân hàng Thế giới dự tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2018 là 5,6%, còn khi TPP được thực thi, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn vào năm 2025. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang mở rộng và đầu tư, thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đón nhận những cơ hội mới để phục vụ thị trường Việt Nam, ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương và các thị trường khác trên toàn cầu.Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Hoa Kỳ có hơn 720 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD - xếp thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đây là tín hiệu để kỳ vọng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hiện nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Microsoft, IBM, Ford, Cocacola, PepsiCo, Cargill, P&G… đã có mặt tại Việt Nam. Trong đó, hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ là Intel và Microsoft đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, biến Việt Nam thành tâm điểm sản xuất quan trọng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo.

Tận dụng TPP để kết nối

Hiệp định TPP sẽ là nền móng cho hội nhập khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời sẽ trở thành cơ sở và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius ước tính, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 30% từ nay cho đến năm 2030. Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích lớn, như tăng trưởng kinh tế được cải thiện và duy trì, tiếp cận thị trường tốt hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn và nâng cao chất lượng các sản phẩm trong chuỗi giá trị.

Hoa Kỳ là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là một thị trường khổng lồ, chiếm 40% GDP toàn cầu với khoảng 320 triệu dân và chiếm 30% thương mại toàn cầu. Với dệt may - lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, Hoa Kỳ luôn là thị trường nhập khẩu đứng đầu, đạt tốc độ tăng trưởng với hai con số (12,6% năm 2014), trong khi các thị trường khác chỉ tăng nhẹ.

Đặc biệt, khi Hiệp định TPP được ký kết, dệt may sẽ có bước đột phá lớn tại thị trường này. Hiện không ít khách hàng Hoa Kỳ chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho biết, các nhà nhập khẩu dệt may từ Hoa Kỳ muốn tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Khi hiệp định TPP được ký kết, ngành may mặc sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Cụ thể, rất nhiều dòng sản phẩm đang phải chịu thuế nhập khẩu từ 10-26% sẽ giảm xuống còn 0-5%, dự kiến đơn hàng dệt may sẽ ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam.

Việc đáp ứng quy định xuất xứ từ sợi của TPP đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Quy định này yêu cầu những nguyên liệu sợi để sản xuất hàng xuất khẩu phải thuộc các nước nằm trong TPP. Trong khi đó, 60-70% nguyên phụ liệu của Việt Nam là nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc - nước chưa gia nhập TPP. Bộ Công Thương Việt Nam nhận định, với quy định xuất xứ từ sợi, nếu doanh nghiệp trong nước không có chiến lược đầu tư bài bản thì rất khó nắm bắt được cơ hội từ TPP. Những doanh nghiệp này, ngoài lao động, cần chuẩn bị về nguyên liệu đầu vào, củng cố lại hệ thống quản lý, tăng cường đội ngũ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng. Đối với nhà nước, cần sớm có chính sách đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, xử lý nước thải, sản xuất phụ liệu may. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển như cải cách thủ tục hành chính về hải quan, thuế… để doanh nghiệp tập trung vào đầu tư sản xuất, xuất khẩu.

Cũng theo Đại sứ Ted Osius, Việt Nam cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quy mô lớn hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cần hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh, cần thúc đẩy đổi mới và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm xây dựng môi trường kinh doanh và giúp các doanh nghiệp kết nối Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Có một thực tế cần lưu ý là trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao so với các nước ASEAN khác tham gia TPP như: Singapore, Malaysia và Brunei. Do đó, để trở thành một lựa chọn hợp tác tiềm năng trong mối quan hệ kinh tế thương mại với Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần có góc nhìn toàn diện, những giải pháp cụ thể và hiệu quả để có thể đứng vững trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu. /.

(TGVVN)
Các tin khác

Liên hệ với chúng tôi

Chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi, các đề nghị cũng như luôn tiếp nhận những yêu cầu từ phía khách hàng
Luôn luôn tiếp nhận, luôn luôn đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng là phương châm làm việc của chúng tôi
 
Gửi liên hệ